Kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của HĐQL BHXH Việt Nam

22/05/2020 08:25 AM


Sáng 21/5, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế trực tuyến “Nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam: Những khuyến nghị và kinh nghiệm từ quốc tế”. Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Việt Nam Phạm Văn Trường chủ trì Hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), Hiệp hội an sinh quốc tế (ISSA), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại các điểm cầu: Mỹ, Thụy sỹ, Australia. Tại điểm cầu Hà Nội có sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ. Về phía BHXH Việt Nam có Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn và lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Việt Nam Phạm Văn Trường cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam, Chính phủ là cơ quan cao nhất quản lý toàn diện về BHXH, BHYT. Chính phủ thành lập HĐQL BHXH để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giám sát hoạt động của BHXH Việt Nam và tư vấn về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

“Văn phòng HĐQL BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo này mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp của các chuyên gia để hoàn thiện Đề án trình Chính phủ ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của HĐQL BHXH Việt Nam đáp ứng yêu cầu thực tế, tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả và hội nhập quốc tế”- ông Trường chia sẻ. 

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý về nhiều nội dung liên quan đến việc kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động động của HĐQL BHXH Việt Nam. Trong đó, có các nội dung như: Quy định về cơ cấu thành viên HĐQL BHXH Việt Nam hiện nay; Chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, giám sát, tư vấn việc thực hiện chính BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thông lệ, kinh nghiệm quốc tế có thể áp dụng vào điều kiện của Việt Nam…

Nhận định về cách thức quản trị hiệu quả của một tổ chức, ông Micheal Kidd- Chuyên gia cao cấp WB (Mỹ) cho rằng, mỗi tổ chức có những cách quản trị khác nhau. Với một tổ chức về an sinh xã hội, WB và ISSA đã đưa ra một số hướng dẫn, khuyến nghị về quản trị tốt. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của HĐQL trong việc phê duyệt và giám sát các kế hoạch chiến lược; đồng thời HĐQL phải đảm bảo tính: Tự quản, minh bạch, giám sát và trách nhiệm giải trình.

Với HĐQL BHXH, theo ông Micheal Kidd, phạm vi vai trò của HĐQL bao gồm từ xác định chiến lược, mục tiêu cấp cao đến giám sát hoạt động cụ thể. Các thành viên HĐQL đại diện cho lợi ích các nhóm đối tượng tham gia; định hướng, cải tiến dịch vụ cho nhóm đối tượng này. Để làm được điều này, HĐQL cần làm tốt 4 vai trò gồm: Giám sát (sử dụng dữ liệu hoạt động và các báo cáo để tạo điều kiện giám sát, phân tích, đưa ra quyết định và thúc đẩy phát triển); thiết lập chiến lược và hướng dẫn quản lý (đưa ra các ưu tiên và giám sát thực hiện, tạo văn hóa phục vụ cho nhân viên); trách nhiệm giải trình (ban hành các tiêu chuẩn và các mục tiêu hoạt động để quản lý tổ chức, đo lường dịch vụ khách hàng và mức độ hài lòng của khách hàng); quản lý rủi ro (xác định một cách hệ thống các rủi ro đe dọa việc hoàn thành mục tiêu của tổ chức).

Do đó, góp ý vào Đề án, ông Micheal Kidd khuyến nghị cần nhấn mạnh tính “giám sát” trong vai trò của HĐQL; cân nhắc thêm bổ sung các thành viên đại diện rộng hơn cho người lao động, doanh nghiệp, người dân; thành lập các tiểu ban và nhóm công tác chuyên sâu tập trung vào các lĩnh vực cần ưu tiên; tạo cơ chế để HĐQL tham vấn các ý kiến chuyên gia bên ngoài; thay đổi chế độ làm việc (tăng cường ứng dụng CNTT, họp trực tuyến…).

Theo ông Dominique La Salle- Giám đốc Chi nhánh về phát triển an sinh xã hội Hiệp hội ASXH quốc tế (Geneva, Thụy Sỹ), cần phân biệt rõ hơn nữa vai trò của HĐQL BHXH Việt Nam. HĐQL cần đảm bảo sự độc lập; đồng thời phải có các tiểu ban chuyên môn sâu về các lĩnh vực để hoạch định, dự báo chính sách, ra mục tiêu, giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh trong thực hiện chính sách… “Bên cạnh đó, Đề án cần đưa ra lộ trình ứng dụng CNTT và truyền thông vào hoạt động của HĐQL. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐQL BHXH”- ông Dominique La Salle nhận định.

Đồng quan điểm với 2 chuyên gia trên, ông Philip O’Keefe- Chuyên gia kinh tế trưởng về bảo trợ xã hội và lao động toàn cầu- Khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, Đề án cần bổ sung, nêu rõ vai trò của HĐQL trong việc quản trị, đào tạo nguồn nhân lực; cân nhắc để hướng mở cho các loại hình BHXH, BHYT mới trong tương lai nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Về những mục tiêu bao phủ BHXH, BHYT của Việt Nam, ông cho rằng quá trình thực hiện sẽ gặp không ít thách thức, do đó việc kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐQL BHXH cũng phải xem xét đến yếu tố này để nghiên cứu các giải pháp hướng tới nhóm lao động khu vực phi chính thức…

Tại Hội thảo, đại diện các bộ, ngành cũng tham gia góp ý kiến, đặt nhiều câu hỏi đến các chuyên gia quốc tế. Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Chuyên trách HĐQL BHXH Việt Nam Phạm Văn Trường thay mặt Ban soạn thảo Đề án tiếp thu, cảm ơn những ý kiến góp ý, khuyến nghị của các chuyên gia, đại biểu tham dự hội nghị. Các ý kiến đóng góp đều rất có giá trị, giúp HĐQL BHXH Việt Nam hoàm thiện Đề án, trình Chính phủ ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của HĐQL, đáp ứng yêu cầu kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động, tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả và hội nhập quốc tế.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn