Tăng cường công tác quản lý chi trả các chế độ BHXH
05/05/2020 02:24 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
- Mới đây, ông Điều Bá Được - Nguyên Trưởng ban, Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), BHXH Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam về công tác quản lý chi trả các chế độ BHXH, quản lý người hưởng các chế độ BHXH, góp phần củng cố niềm tin của người thụ hưởng đối với đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và cơ quan BHXH.
PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật về công tác quản lý và chi trả BHXH của cơ quan BHXH trong thời gian vừa qua?
Ông Điều Bá Được: Công tác quản lý chi trả BHXH, BH thất nghiệp nói chung và quản lý người hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp nói riêng luôn được BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, năm 2019, tổng số người hưởng BHXH hằng tháng là trên 3,2 triệu người được nhân lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng theo các hình thức: Chi bằng tiền mặt, chi qua tài khoản cá nhân; về phương thức tổ chức thực hiện: Chi tại cơ quan BHXH, chi qua đơn vị SDLĐ (Chế độ ốm đau, thai sản…), ký hợp đồng với tổ chức dịch vụ công (cơ quan bưu điện), chi qua tổ chức dịch vụ cung ứng dịch vụ thanh toán (ngân hàng thương mại – NHTM). Tích cực triển khai thực hiện phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhiều biện pháp quản lý được tăng cường như ứng dụng công nghệ thông tin; phối hợp đồng bộ, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành đã tổ chức thực hiện tốt công tác chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp kịp thời, đến đúng người thụ hưởng chế độ, quản lý chặt chẽ quỹ BHXH, BH thất nghiệp; các quy trình, thủ tục chi trả, quản lý người hưởng được đơn giản hóa theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định tình hình chính trị – xã hội ở các địa phương cũng như trong phạm vi cả nước, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
PV: Công tác quản lý chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp thời gian qua mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bên cạnh đó vẫn còn một số điểm cần khắc phục, theo ông đó là những vấn đề gì?
Ông Điều Bá Được: Từ thực tiễn công tác quản lý chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp và quản lý người hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế phát sinh từ thực tiễn như:
Một là, cơ sở dữ liệu người hưởng BHXH, BH thất nghiệp và phần mềm quản lý chi trả các chế độ BHXH hằng tháng đã được BHXH Việt Nam quan tâm từ rất sớm, đầu năm 1998, xuất phát điểm từ BHXH tỉnh Yên Bái, BHXH Việt Nam đã xây dựng hoàn thiện phần mềm quản lý chi trả các chế độ BHXH hằng tháng để triển khai áp dụng trong cả nước, đến nay phần mềm này đã được BHXH Việt Nam nhiều lần nâng cấp để đáp ứng yêu cầu quản lý. Tuy nhiên, cả phần mềm cũng như cơ sở dữ liệu người hưởng BHXH, BH thất nghiệp cũng còn bộc lộ những hạn chế, bất cập như:
Cơ sở dữ liệu người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng đã hình thành quản lý tập trung toàn quốc nhưng thông tin cá nhân người hưởng trên danh sách chi trả (tức trong cơ sở dữ liệu) với hồ sơ hưởng BHXH đang lưu trữ tại BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh, thành phố chưa trùng khớp. Một bộ phận người hưởng BHXH có thông tin cá nhân trên các giấy tờ tùy thân như: chứng minh nhân dân, thẻ căn cước, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh… không khớp với sổ BHXH, hồ sơ hưởng BHXH đang lưu trữ tại cơ quan BHXH. Việc cấp mã số BHXH đối với người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng chưa đồng bộ, còn sai sót chưa đảm bảo tính định danh duy nhất nên chưa phát hiện việc chi trả trùng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng tại 02 nơi. Cơ sở dữ liệu chưa được “khóa” chặt nên tính bảo mật, bảo toàn dữ liệu chưa cao rất khó khăn trong quản lý, phụ thuộc mức độ trung thực của con người được phân công sử dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu, theo dõi tăng, giảm người hưởng BHXH hằng tháng, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát quỹ BHXH, BHTN do người sử dụng có thể tự tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi điều kiện hưởng…đã xảy ra ở một số địa phương.
Tình trạng có tên trong danh sách chi trả nhưng thiếu hoặc không có hồ sơ lưu trữ chỉ đến khi chuyển đi nơi khác mới phát hiện không đủ hoặc không có hồ sơ hưởng BHXH vẫn còn xảy ra.
Phần mềm còn thiếu một số tính năng hỗ trợ quản lý tăng, giảm như: Báo tăng, báo giảm phải có lý do và phải kiểm soát được, không để xảy ra việc chủ động báo tăng, báo giảm khi phát hiện thì tự xử lý để xóa dấu vết như: Bắt buộc báo giảm nơi chuyển đi, phải báo tăng nơi chuyển đến để kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển không để xảy ra việc lạm dụng (có thể lợi dụng sơ hở này để trục lợi, nếu phát hiện có vấn đề thì báo giảm bằng cách cho “chuyển đi” hay là chủ động báo tăng để lạm dụng nếu phát hiện thì báo giảm “chết”..). Chưa hỗ trợ kiểm soát, đối chiếu việc giảm chết với việc giải quyết chế độ tử tuất để giúp cho công tác quản lý và giải quyết chế độ chặt chẽ, đúng quy định nhằm ngăn ngừa việc lạm dụng. Tình trạng báo giảm chậm khi người hưởng bị chết còn xảy ra, gây khó khăn trong công tác quản lý chi trả BHXH. Khi người hưởng chết nhưng thông tin cá nhân trên các giấy tờ như: Chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng tử… không trùng khớp với thông tin cá nhân trên hồ sơ hưởng BHXH hằng tháng đang lưu trữ tại cơ quan BHXH gây rất nhiều khó khăn trong quản lý chi trả cũng như khi giải quyết chế độ tử tuất cũng như khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phát hiện sẽ rất khó xử lý.
Hai là, một số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng nhận lương hưu qua thẻ ATM nhưng không có đầy đủ thông tin cá nhân cần thiết hoặc chưa cung cấp thông tin cá nhân cần thiết cho cơ quan chi trả BHXH. Cơ quan chi trả BHXH gặp khó khăn trong công tác nắm bắt tình hình người hưởng, đặc biệt người hưởng ở nước ngoài hay là người ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH trong khi thời hạn ủy quyền không có thời hạn.
Ba là, tình trạng người có quyết định hưởng lương hưu nhưng không nhận lương hưu vẫn còn xảy ra. Cá biệt, có trường hợp 25 năm chưa nhận lương hưu; cùng với đó rất nhiều trường hợp chậm lĩnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng hoặc chưa đến nhận khoản trợ cấp BHXH một lần sau điều chỉnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hằng năm; Khó quản lý và gây khó khăn trong công tác chi trả và quản lý người hưởng.
PV: Thưa ông, ông có thể nêu cụ thể nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại nêu trên?
Ông Điều Bá Được: Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nêu trên là:
Một là, các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý chi trả, quản lý người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng chưa phù hợp với yêu cầu quản lý, còn nghiêng về tạo sự thuận lợi tối đa đối với người hưởng các chế độ BHXH (chưa có quy định cụ thể về việc yêu cầu cung cấp thông tin của người hưởng BHXH với cơ quan chi trả BHXH).
Hai là, cơ sở dữ liệu người hưởng BHXH nói chung và người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng nói riêng, mặc dù đã hình thành nhưng chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, liên thông với các cơ sở dữ liệu khác của ngành cũng như cơ sở dữ liệu dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, chưa đảm bảo tính định danh duy nhất. Việc cấp mã số BHXH đối với người hưởng BHXH, BH thất nghiệp chưa chặt chẽ, chưa rà soát, đối chiếu kĩ lưỡng thông tin, đặc biệt chưa có giải pháp xử lý đối với trường hợp thông tin cá nhân không trùng khớp với thông tin trên sổ BHXH hoặc hồ sơ hưởng các chế độ BHXH trước khi cấp mã số BHXH.
Ba là, phần mềm quản lý và chi trả BHXH, tuy đã nâng cấp nhưng chưa có đầy đủ các tính năng hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu quản lý chi trả và quản lý người hưởng các chế độ BHXH, cũng như giải pháp ngăn ngừa việc lạm dụng của người được giao nhiệm vụ khi sử dụng phần mềm này.
PV: Để khắc phục những hạn chế nêu trên, cần phải có những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
Ông Điều Bá Được: Để khắc phục những hạn chế nêu trên, cần phải có những giải pháp như sau:
Một là, đối với các quy định của pháp luật về công tác chi trả quản lý người hưởng, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu để có quy định phù hợp, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng và cơ quan quản lý chi trả BHXH.
Hai là, rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình nghiệp vụ cũng như chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, các phòng/bộ phận thuộc BHXH tỉnh/huyện liên quan đến công tác quản lý chi trả, quản lý người hưởng các chế độ BHXH phù hợp với các quy định, quy trình nghiệp vụ có liên quan bảo đảm liên thông, đồng bộ. Đặc biệt cần có giải pháp xử lý phù hợp đối với người không nhận lương hưu hoặc tồn đọng, chậm lĩnh lương hưu, trợ cấp BHXH kéo dài.
Tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ sở dữ liệu người hưởng BHXH, BH thất nghiệp, ban hành quy chế sử dụng, khai thác, liên thông, cung cấp, chia sẻ dữ liệu, phân cấp, phân quyền truy cập cơ sở dữ liệu, “khóa” cơ sở dữ liệu việc sửa chữa, tẩy xóa, điều chỉnh… đều được lưu vết và chuyển về cơ sở dữ liệu tập trung toàn quốc theo quy định. Cùng với việc quản lý cơ sở dữ liệu hiện đại bằng công nghệ thông tin cần trú trọng công tác lưu trữ hồ sơ truyền thống để đáp ứng yêu cầu quản lý BHXH.
Trước mắt, cần chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố rà soát, đối chiếu Danh sách chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng với hồ sơ hưởng BHXH đang lưu trữ tại cơ quan BHXH; rà soát, đối chiếu việc cấp mã số BHXH đối với người hưởng BHXH, cập nhật thông tin chính xác để bảo đảm tính định danh duy nhất phục vụ yêu cầu quản lý, đặc biệt đối với trường hợp thông tin cá nhân không trùng khớp trên các loại giấy tờ và hồ sơ hưởng BHXH. Lưu ý trong quá trình rà soát, đối chiếu, nếu phát hiện trường hợp không có hồ sơ lưu trữ tại cơ quan BHXH các cấp thì phải tổ chức kiểm tra ngay để có giải pháp xử lý kịp thời tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Ba là, cần nâng cấp phần mềm quản lý và chi trả các chế độ BHXH, đặc biệt các cảnh báo hỗ trợ đáp ứng các yêu cầu quản lý khắc phục các bất cập đã nêu trên. Đầu tiên, cần tiếp tục hoàn thiện phần mềm đáp ứng yêu cầu quản lý nghiệp vụ tại Quyết định 166/QĐ-BHXH ban hành Quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp; Công văn 4733/BHXH-CSXH về việc chấn chỉnh và hướng dẫn xử lý một số tồn tại trong công tác tổ chức thực hiện BHXH, BH thất nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến việc bố trí, quản lý, sử dụng đối với người được giao quản lý, sử dụng, khai thác phần mềm, thường xuyên kiểm tra, phát hiện xử lý theo quy định nếu vi phạm. Mặt khác, cần có giải pháp về CNTT để giúp công tác quản lý nguồn nhân lực này một cách hiệu quả, ngăn ngừa lạm dụng gây thất thoát quỹ làm mất niềm tin của người thụ hưởng dối với cơ quan BHXH.
Bốn là, đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền đến người hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp nói chung và người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng nói riêng, nắm được các quy định về quản lý chi trả, sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ tạo điều kiện để cơ quan BHXH và cơ quan đại diện chi trả BHXH, BH thất nghiệp hoàn thành nhiệm vụ.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Tập trung kiểm tra công tác báo tăng, giảm (lưu ý các trường hợp báo giảm: Chết, chuyển đi) kịp thời phát hiện các trường hợp chủ động báo tăng, báo giảm trái với quy định để xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật.
Sáu là, tăng cường công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp với hệ thống ngân hàng, hệ thống bưu điện trong công tác chi trả, quản lý người hưởng các chế độ BHXH trên địa bàn./.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo https://tapchitoaan.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Kết quả chi trả các chế độ BHXH năm 2024
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...