Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn: Tăng giá dịch vụ y tế góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh
20/10/2015 04:11 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thông tư Liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện (BV) trên toàn quốc do Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính đang xây dựng, dự kiến ban hành vào tháng 11/2015 với khoảng 1.800 dịch vụ y tế (DVYT) sẽ được điều chỉnh giá đang thu hút sự chú ý của dư luận. Trang tin điện tử BHXH Việt Nam có cuộc phỏng vấn Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông Phạm Lương Sơn, Thông tư liên Bộ Tài chính, Y tế và BHXH Việt Nam dự kiến ban hành vào tháng 11/2015 đề xuất điều chỉnh giá khoảng 1.800 DVYT. Xin ông cho biết vì sao lại có việc điều chỉnh giá này?
Ông Phạm Lương Sơn: Việc điều chỉnh giá DVYT lần này là thực hiện theo quy định của Luật số 46 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, theo đó có giao cho Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Và thực hiện theo Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về việc đổi mới việc cung ứng dịch vụ gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá DVYT, từng bước chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT. Gần đây nhất là Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp, có quy định lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công, đó là: năm 2016, tính đủ yếu tố tiền lương; năm 2018, tính đủ tiền lương và chi phí quản lý; năm 2020, tính đủ tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản.
Hiện nay, giá DVYT quy định tại Thông tư liên bộ số 03/2006/TTLT và Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT mới chỉ tính 3/7 yếu tố, gồm: thuốc, hóa chất, vật tư y tế; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu bảo dưỡng trang thiết bị, là những yếu tố sử dụng trực tiếp cho người bệnh khi thực hiện dịch vụ kỹ thuật. Lần này Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam đã kết cấu thêm chi phí tiền lương, tiền phụ cấp đặc thù theo lộ trình tính đúng, tính đủ giá DVYT Chính phủ đã quy định. Là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam mong muốn việc tăng giá dịch vụ sẽ góp phần dần từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, khuyến khích các BV triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế hiện đại để người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn.
PV:Thưa ông, xin ông cho biết, việc giá dịch vụ y tế điều chỉnh sẽ tác động đến người bệnh như thế nào?
Ông Phạm Lương Sơn: Thông tư này trước mắt chỉ áp dụng đối với thanh toán BHYT. Đối với người không có thẻ BHYT, sẽ tiếp tục áp dụng mức giá theo quy định Thông tư liên bộ số 03/2006/TTLT và Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT hiện nay đang thực hiện. Lần này Liên Bộ điều chỉnh giá không chỉ là kết cấu thêm chi phí tiền lương, tiền công, phụ cấp, mà còn điều chỉnh tính đủ chi phí của 3 yếu tố trực tiếp đối với một số dịch vụ kỹ thuật có mức giá thấp quy định tại Thông tư liên tịch số 03 từ năm 2006. Vì vậy, người bệnh nói chung sẽ không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào giá. Giá tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người có thẻ BHYT được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn và được BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.
Tác động của việc tăng giá DVYT đến các nhóm có khác nhau, cụ thể: đối với nhóm người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội hay trẻ em dước 6 tuổi thì không bị tác động vì đây là những nhóm đối tượng được Ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi KCB được chi trả 100% chi phí trong phạm vi thanh toán của quỹ BHYT; đối với người cận nghèo đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT, theo quy định Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT, đối tượng này được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước 31/12/2014 phải đồng chi trả 20% do đó mức độ tác động sẽ không nhiều; Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí KCB BHYT là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất, tuy nhiên việc tính đủ các chi phí sẽ giúp minh bạch hơn trong thanh toán chi phí KCB, hạn chế được việc thu thêm, thu ngoài của người bệnh.
Những người chưa tham gia BHYT chưa chịu tác động của việc áp dụng giá DVYT mới. Tuy nhiên theo Lộ trình của Liên Bộ, trong năm 2016, Liên Bộ sẽ xem xét, hướng dẫn việc thực hiện đối với người không có thẻ BHYT theo mức giá tính đúng, tính đủ cả 7 yếu tố chi phí. PV: Thưa ông, như vậy việc tăng giá BHYT sẽ áp dụng cho các bệnh nhân có thẻ BHYT trước. Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?
Ông Phạm Lương Sơn: Để hạn chế tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội của người dân, Liên Bộ đã quyết định sẽ áp dụng mức giá DVYT điều chỉnh cho đối tượng có thẻ BHYT trước, trong năm 2016 sẽ áp dụng giá đủ 7 yếu tố chi phí cho người không có thẻ BHYT. Như vậy, người chưa có thẻ BHYT sẽ có thêm một khoảng thời gian cân nhắc, để thấy được lợi ích, tính nhân văn của chính sách an sinh xã hội cũng như của việc tham gia BHYT. Với mức giá DVYT mới, ước tính Quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối được đến hết 2017. Tuy nhiên theo lộ trình điều chỉnh giá DVYT như hiện nay, vấn đề đẩy nhanh độ bao phủ của BHYT lại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết để bệnh nhân không phải nặng gánh chi trả thêm và để người không may mắc bệnh không bị rơi vào “bẫy nghèo”.
PV: BHXH Việt Nam là cơ quan thực hiện chính sách BHYT, theo ông, việc tăng giá DVYT lần này có phải tăng mức đóng phí BHYT của người dân hay không và có ảnh hưởng gì đến lộ trình BHYT toàn dân? Ông Phạm Lương Sơn: Như đã nói ở trên, quỹ BHYT có khả năng cân đối đến hết năm 2017, do đó mức đóng phí bảo hiểm sẽ không tăng trong thời gian này.Từ năm 2018, dự kiến sẽ phải đề xuất điều chỉnh mức đóng BHYT. Theo quy định của Luật BHYT thì mức đóng BHYT tối đa là 6% tiền lương, tiền công, hiện nay đang thực hiện ở mức 4,5%.
Tăng phí BHYT đến mức tối đa, thì chi phí phải đóng là 828.000 đồng/năm (hiện nay là 621.000 đồng), nếu tham gia theo hộ gia đình mức đóng của các đối tượng tiếp theo sẽ còn được giảm. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Riêng đối với người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tiêu chí người có mức sống trung bình làm cơ sở để hỗ trợ đối tượng này tham gia BHYT. Đồng thời Chính phủ cũng định hướng sẽ chuyển ngân sách cấp cho bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT, do đó việc thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020 sẽ không bị ảnh hưởng. PV:Trân trọng cảm ơn ông!
Theo baohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Kết quả chi trả các chế độ BHXH năm 2024
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...