Chỉ định người giám hộ để lĩnh thay lương hưu thế nào?
05/02/2024 09:43 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ông Nguyễn Vĩnh (Quảng Ninh) hỏi, người có lương hưu nhưng bị tai biến, nằm liệt giường, không còn khả năng nhận biết thì ai có thể lĩnh lương hưu giúp được?
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:
Điều 22, 23 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi như sau:
Người mất năng lực hành vi dân sự: Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Ngoài ra, tại Điều 46 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định nội dung liên quan đến việc giám hộ đối với người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi như:
- Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được UBND cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại Khoản 2 Điều 48 của Bộ luật để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
- Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu.
- Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
BHXH Việt Nam cung cấp một số quy định của pháp luật dân sự đối với người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi để ông nắm được và liên hệ với BHXH địa phương để được hướng dẫn cụ thể sau khi có quyết định của Tòa án về việc người có lương hưu là người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và việc chỉ định người giám hộ để thực hiện việc lĩnh thay lương hưu.
Theo https://baochinhphu.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Kết quả chi trả các chế độ BHXH năm 2024
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...