ĐƯA LUẬT BHXH, LUẬT BHYT SỬA ĐỔI VÀO CUỘC SỐNG

10/03/2017 04:20 PM


Bàn về thủ tục, điều kiện hưởng chế độ BHXH



Luật BHXH số 58/2014QH13 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thực hiện từ ngày 01/01/2016. Qua tổ chức thực hiện, có thể khẳng định rằng, Luật BHXH mới có nhiều quy định, nội dung tiến bộ, nhân văn và khắc phục hầu hết vcacs khuyết điểm phát sinh theo quy định tại Luật cũ. Các quy định trong Luật BHXH(sửa đổi) được đa số người lao động, đơn vị lao động đánh giá cao và ủng hộ

Quy định về hồ sơ hưởng các chế độ BHXH được quy định trong Luật BHXH (sửa đổi) tại Chương VII, gồm 18 điều, từ Điều 100 đến Điều 117. Từng loại thủ tục, hồ sơ hưởng chế độ Luật BHXH (sửa đổi) quy định rất rõ ràng, được đánh giá là đơn giản, rõ ràng và dễ thực hiện. Quyết định số 636/QĐ-BHXH ngày 22/4/2016 của BHXH Việt Nam ban hành quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH không quy định thêm bất cứ thủ tục nào khác so với quy định của Luật BHXH (sửa đổi). Tuy nhiên, quá trình thực hiện có một số phát sinh liên quan đến thủ tục hưởng các chế độ BHXH cần trao đổi làm rõ thêm để thống nhất thực hiện.

Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau

Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau được quy định tại Khoản 1 Điều 100 của Luật BHXH (sửa đổi) là bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Như vậy, hồ sơ hưởng chế độ ốm đau chỉ cần một trong hai loại giấy tờ là giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc giấy ra viện. Có thể nói, hồ sơ hưởng như quy định trên là hết sức rõ ràng, đơn giản và thống nhất.

 

Quá trình thực hiện lại phát sinh tình huống người lao động bị ốm đau phải nhập viện nhưng do năng lực của bệnh viện nơi tiếp nhận không có khả năng điều trị nên phải chuyển người lao động đến bệnh viện khác. Sau khi điều trị xong, người lao động xuất viện và được bệnh viện nơi điều trị cuối cùng cấp giấy ra viện trong đó chỉ thể hiện thời gian nhập viện là ngày tiếp nhận bệnh nhân cho đến khi xuất viện. Ví dụ, người lao động vào nhập viện tại bệnh viện A ngày 05/12/2016. Do không có khả năng điều trị nên ngày 07/12/2016 bệnh viện A chuyển người lao động đến bệnh viện B. Người lao động được xuất viện ngày 19/12/2016. Khi xuất viện, người lao động được bệnh viện B cấp giấy ra viện trong đó thể hiện thời gian điều trị nội trú từ ngày 07/12/2016 – 19/12/2016, không thể hiện thời gian điều trị nội trú tại bệnh viện A. Khi người lao động đến bệnh viện A đề nghị cấp giấy ra viện thì bệnh viện A từ chối cấp vì cho rằng người lao động không có xuất viện mà được chuyển viện. Bệnh viện A chỉ đồng ý cấp giấy xác nhận nằm viện cho người lao động từ ngày 05/12/2016 đến ngày 07/12/2016. Như vậy, những ngày điều trị nội trú tại bệnh viện A không có chứng từ để giải quyết trợ cấp ốm đau cho người lao động.

  Theo chúng tôi, giấy xác nhận nằm viện của bệnh viện A cấp cho người lao động và giấy ra viện của bệnh viện B đủ cơ sở để thanh toán cho người lao động từ ngày 05/12/2016 đến 19/12/2016 vì các giấy tờ này do bệnh viện cấp và chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, việc thanh toán trợ cấp ốm đau còn dựa vào danh sách đề nghị của Ban Chấp hành Công đoàn và chủ sử dụng lao động nên khả năng lạm dụng trợ cấp ốm đau là thấp. Nếu có nghi ngờ, cơ quan BHXH nơi tiếp nhận hồ sơ giải quyết trợ cấp ốm đau có thể trao đổi bằng văn bản với bệnh viện A.

 

Hồ sơ hưởng chế độ hưu trí

Hồ sơ hưởng lương hưu được quy định tại Điều 108, gồm 02 khoản tương ứng với người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc và người lao động đang tham gia BHXH tự nguyện, người bảo lưu thời gian tham gia BHXH gồm cả người chấp hành hình phạt tù. Cụ thể như sau:

  “1. Hồ sơ hưởng lương hưu đối với người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:

  a) Sổ BHXH;

  b) Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hưởng chế độ hưu trí;

  c) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa đối với người nghỉ hưu theo quy định tại Điều 55 của Luật này hoặc giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp đối với trường hợp người lao động quy định tại Điều 54 của Luật này.

  2. Hồ sơ hưởng lương hưu đối với người lao động đang tham gia BHXH tự nguyện, người bảo lưu thời gian tham gia BHXH gồm cả người đang chấp hành hình phạt tù bao gồm:

  a) Sổ BHXH;

  b) Đơn đề nghị hưởng lương hưu;

  c) Giấy ủy quyền làm thủ tục giải quyết chế độ hưu trí và nhận lương hưu đối với người đang chấp hành hình phạt tù;

  d) Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc trở về nước định cư hợp pháp đối với trường hợp xuất cảnh trái phép;

  đ) Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với trường hợp người mất tích trở về.

  Tuy nhiên, khi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc có bổ sung thêm thủ tục ngoài quy định của Luật BHXH (sửa đổi) là phải có văn bản giải trình nêu rõ lý do và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung giải trình khi người sử dụng lao động, người lao động nộp hồ sơ chậm so với quy định. Nội dung này được quy định tại Khoản 4 Điều 18 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, có những điểm chưa rõ ràng, gây hiểu nhầm cho người lao động, đơn vị sử dụng lao động và cơ quan BHXH trong quá trình tổ chức, thực hiện vì các lý do sau đây:

 

Thứ nhất, Luật BHXH (sửa đổi) quy định người hưởng lương hưu bị phạt tù nhưng không được hưởng án treo thì khi giải quyết chế độ hưu trí sẽ không được truy lĩnh lương hưu trong thời gian bị tù giam. Với quy định này, khi giải quyết hồ sơ hưu trí chậm nộp so với thời điểm hưởng lương cần có giải trình của người lao động, đơn vị sử dụng lao động để cơ quan BHXH có cơ sở giải quyết hưởng lương hưu và truy lĩnh lương hưu những tháng chậm nộp hồ sơ. Việc giải trình chủ yếu để khẳng định có hay không có việc chấp hành hình phạt tù trong thời gian chậm nộp hồ sơ. Như vậy, quy định này chỉ đúng đối với những người có thời điểm hưởng lương hưu trước tháng 01/2016; riêng đối với người lao động có thời điểm hưởng lương hưu từ tháng 01/2016 trở đi, không cần có văn bản giải trình khi chậm nộp hồ sơ vì giả sử người lao động có bị phạt tù giam thì vẫn được truy lĩnh lương hưu.

 

Thứ hai, có ý kiến cho rằng quy định này vừa thừa vừa thiếu. Thừa ở chỗ quy định này không cần thiết đối với người có thời điểm hưởng lương hưu từ tháng 01/2016 trở đi. Thiếu ở chỗ quy định không nói rõ nội dung phải giải trình là gì. Mặt khác, khi đã giải trình và ký tên trên văn bản thì không cần phải có nội dung “chịu trách nhiệm trước pháp luật” thể hiện trong văn bản vì trách nhiệm pháp lý đương nhiên sẽ phát sinh ngay sau khi chủ thể ký tên trên văn bản giải trình dù có hay không có nội dung cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

Thứ ba, cơ quan BHXH biết rằng, về bản chất, chỉ những trường hợp có thời điểm hưởng lương hưu trước tháng 01/2016 mà chậm nộp hồ sơ so với thời điểm hưởng lương hưu mới phải có văn bản giải trình. Tuy nhiên, là cơ quan tổ chức thực hiện pháp luật nên với quy định trên, mặc dù biết người lao động có thời điểm hưởng lương hưu từ tháng 01/2016 trở đi nhưng có cơ quan BHXH vẫn yêu cầu phải có văn bản giải trình việc chậm nộp hồ sơ; song cũng có cơ quan BHXH hiểu đúng bản chất, linh động không yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động có văn bản giải trình.

 

Nên chăng, sửa lại quy định này theo hướng sau, người lao động có thời điểm hưởng lương hưu trước tháng 01/2016 mà nộp hồ sơ chậm so với quy định, ngoài hồ sơ theo quy định tại Điều 108 Luật BHXH (sửa đổi) thì phải có thêm văn bản giải trình lý do chậm nộp và làm rõ có hoặc không có việc xuất cảnh trái phép, bị phạt tù giam trong thời gian chậm nộp hồ sơ.

 

Giải quyết trợ cấp BHXH một lần

Việc hưởng BHXH một lần được quy định tại Điều 60 Luật BHXH (sửa đổi) và Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/06/2015 của Quốc hội. Có thể nói, việc bổ sung quy định người mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS… được hưởng BHXH một lần là hết sức nhân văn, giúp cho người lao động dùng khoản tiền trợ cấp này để trang trải thuốc men, trả viện phí, bồi dưỡng sức khỏe... để tiếp tục quá trình điều trị bệnh nhằm trở lại cuộc sống bình thường. Tại Điểm c Khoản 1 Điều 60 quy định, Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn thêm những bệnh khác thuộc trường hợp được hưởng trợ cấp BHXH một lần. Ngày 12/05/2016, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 14/2016/TT-BYT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BHXH thuộc lĩnh vực y tế, theo Điều 4, các bệnh được hưởng trợ cấp BHXH một lần gồm: Các bệnh quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH; các bệnh mà có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không có khả năng hồi phục.

 

Với nội dung hướng dẫn trên thì Bộ Y tế không liệt kê cụ thể mà chỉ hướng dẫn chung là căn cứ vào mức độ suy giảm khả năng lao động và khả năng hồi phục. Đối với việc xác định mức độ suy giảm khả năng lao động thì có thể căn cứ vào biên bản giám định của Hội đồng Giám định y khoa tỉnh, thành phố thuộc Trung ương nhưng trên biên bản giám định lại không có kết luận về khả năng hồi phục. Hội đồng Giám định y khoa cho rằng, họ chỉ có thể tổng hợp mức độ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật chứ không phải là cơ sở y tế trực tiếp điều trị bệnh nên không thể kết luận là bệnh có thể hồi phục hay không hồi phục. Như vậy, mặc dù người lao động có kết luận suy giảm khả năng lao động trên 81% nhưng vì thiếu kết luận không có khả năng hồi phục nên cơ quan BHXH không có cơ sở để giải quyết trợ cấp BHXH 01 lần.

 

Tại TP.HCM, có trường hợp người lao động suy thận giai đoạn cuối, Hội đồng Giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là 91% nhưng không thể giải quyết vì không đáp ứng quy định Khoản 2 Điều 4 của Thông tư 14/2016/TT-BYT nêu trên. Người lao động phản đối và cho rằng Thông tư của Bộ Y tế đã giới hạn đối tượng thụ hưởng do Luật BHXH quy định và đi ngược lại với tinh thần của Luật. Đây là vướng mắc cần sớm được tháo gỡ để những quy định nhân văn của Đảng, Nhà nước được triển khai đủ, đúng trên thực tế, để người lao động chẳng may mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng có điều kiện chữa trị bệnh, có thêm hy vọng cho tương lai. Và trên hết, các quy định của pháp luật về BHXH phải phát huy được vai trò An sinh xã hội. 

 

Thực tiễn cho thấy, quan hệ xã hội diễn ra hết sức phong phú, đa dạng, để người lao động, người sử dụng lao động thụ hưởng nhanh chóng, đầy đủ quyền lợi về BHXH; cơ quan BHXH tổ chức thực hiện dễ dàng, thuận lợi quy định của pháp luật, trong khi chờ tổng hợp các vướng mắc chung để sửa đổi, bổ sung Nghị định, Thông tư phù hợp, các Bộ, ngành có liên quan cần nhanh chóng có phương án xử lý kịp thời vướng mắc, phát sinh thuộc thẩm quyền của mình. Có như vậy, người lao động mới an tâm tham gia BHXH, góp phần đảm bảo sự bền vững của chính sách An sinh xã hội của quốc gia.

Theo tapchibaohiemxahoi.gov.vn