Toàn Ngành tập trung tháo gỡ khó khăn “hậu Covid-19”
09/07/2020 09:43 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 8/7, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh chủ trì Hội nghị từ điểm cầu BHXH Việt Nam. Dự và chỉ đạo Hội nghị còn có các Phó Tổng giám đốc: Nguyễn Đình Khương, Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu, Lê Hùng Sơn. Đảm bảo quyền lợi cho người dân, NLĐ
Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn Ngành đã kịp thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Tại điểm cầu BHXH Việt Nam
Đồng thời, thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ, chính sách cho người tham gia; triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng, giảm nợ đọng BHXH, BHYT. Việc quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Công tác tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả. Tổ chức bộ máy BHXH các cấp tiếp tục được kiện toàn; nâng cao năng lực đội ngũ CCVC, từng bước hiện đại hoá hệ thống quản lý của Ngành.
Tính đến tháng 6/2020, toàn Ngành đã giải quyết 60.523 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng (tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2019); 454.209 người hưởng trợ cấp 1 lần (tăng 9,2%); 4.589.884 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (giảm 11,4%). Phối hợp với ngành LĐ-TB&XH giải quyết cho 474.622 người hưởng chế độ BH thất nghiệp (tăng 11,5%). Thanh toán chi phí KCB BHYT cho 77,657 triệu lượt người.
Đáng chú ý, đã phối hợp chặt chẽ với Bưu điện chi trả gộp lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4-5/2020; tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tại nhà cho người hưởng nhận bằng tiền mặt. Qua đó, đảm bảo an toàn trong đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác chi trả và tiếp tục mở rộng thí điểm ứng dụng CNTT trong chi trả qua Bưu điện...
Khó khăn trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT
Cũng trong 6 tháng đầu năm, những khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ của Ngành. Đơn cử: Nhiều đơn vị, DN phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, khiến NLĐ không có việc làm phải nghỉ việc. Các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, thanh tra, kiểm tra phải hạn chế do thực hiện giãn cách xã hội; thu nhập của người dân giảm do dịch bệnh nên không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình...
Tại điểm cầu BHXH TP.Hà Nội
Theo thống kê của BHXH các địa phương, tính đến hết tháng 6, cả nước có khoảng 15,144 triệu người tham gia BHXH; 85,521 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 88,3% dân số). Có thể thấy, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp đều sụt giảm so với cuối năm 2019. Chỉ có số người tham gia BHXH tự nguyện tăng 96,8 nghìn người, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện trong cả nước lên 670,8 nghìn người, đạt 55,9% kế hoạch. Số thu toàn Ngành cũng đạt 45,3% kế hoạch cả năm (tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2019).
Theo BHXH các địa phương, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT vẫn còn phổ biến; tỷ lệ nợ còn cao, trong đó nợ do NSNN đóng, hỗ trợ đóng có xu hướng tăng. Tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi (từ 1 tháng trở lên) khoảng 21.231 tỷ đồng (bằng 5,3% số phải thu). Trong khi đó, việc xử lý nợ đối với DN phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn… vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BH thất nghiệp vẫn còn xảy ra tại một số nơi, nhất là có xu hướng gia tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19...
Tìm lời giải cho những thách thức “hậu Covid-19”
Đánh giá cao nỗ lực của toàn Ngành, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhận định: Tinh thần chung mà BHXH Việt Nam đặt ra là cố gắng đạt được kế hoạch phát triển đối tượng. Tuy nhiên, mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2020 sẽ gặp không ít khó khăn; phần lớn các chỉ tiêu về phát triển đối tượng, thu... đều “dồn” lại cho nửa cuối năm 2020, trong khi đại dịch Covid-19 vẫn là nguy cơ với nền kinh tế toàn cần, dự báo vẫn còn tác động tiêu cực đến Việt Nam. Đáng chú ý, nhiều DN nhỏ và vừa đã phải tạm dừng hoạt động hoặc tuyên bố phá sản; nhiều DN lớn đang dự kiến tái cơ cấu, tinh giản nhân lực để phù hợp với hoàn cảnh mới. Đây là nguy cơ dẫn tới nhiều NLĐ mất việc có thể ra khỏi hệ thống BHXH...
Ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Thu cho biết, chỉ từ tháng 5 trở đi, số thu và đối tượng tham gia BHXH, BHYT có gia tăng so với các tháng trước, tuy nhiên vẫn chưa đạt mức tăng tương ứng cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, theo thống kê, tính đến 30/6/2020 có 54 BHXH tỉnh, thành phố có DN được phê duyệt tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, với tổng số 1.519 DN, tương ứng với 130.794 NLĐ và số tiền tạm dừng đóng khoảng 475 tỷ đồng...
Chỉ đạo về công tác này, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh: Bằng mọi giải pháp, ngành BHXH phải đạt được tỷ lệ 90,7% dân số tham gia BHYT theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg. Mặc dù việc phát triển BHXH bắt buộc sẽ gặp khó khăn hơn do tình trạng chung của nền kinh tế, tuy nhiên BHXH tự nguyện có sự gia tăng đáng kể đối tượng tham gia, nên sẽ là một nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối năm 2020. “Kinh nghiệm của một số địa phương cho thấy, việc sử dụng các giải pháp phù hợp đã mang lại kết quả tốt trong mở rộng đối tượng. Đề nghị BHXH các địa phương cần thường xuyên trao đổi với các ban chuyên môn, tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc, sử dụng linh hoạt các giải pháp để cố gắng đạt kế hoạch của năm”- Phó Tổng giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu.
Về việc sử dụng quỹ KCB BHYT, theo số liệu của Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT khu vực phía Bắc, tính đến hết tháng 6/2020, hầu hết các địa phương đã sử dụng gần như 100% dự toán chi KCB cho 6 tháng đầu năm, trong khi số lượt KCB giảm so với cùng kỳ năm 2019. Tại một số tỉnh, số dự toán chi đã vượt trên 50% của cả năm. Theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, mảng BHYT sẽ hết sức nặng nề, nên lãnh đạo BHXH các địa phương phải đặc biệt quan tâm, có giải pháp mạnh mẽ trong việc quản lý chi phí KCB BHYT, nhất là đối với các tỉnh có nguy cơ vượt dự toán cao.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, các địa phương cần chủ động thông báo, phối hợp cùng Sở Y tế xây dựng, thống nhất thực hiện các chương trình, kế hoạch kiểm soát, đảm bảo sử dụng hợp lý kinh phí KCB BHYT tại từng cơ sở KCB. Đặc biệt lưu ý về công tác điều hành dự toán, Phó Tổng Giám đốc yêu cầu các địa phương phải đánh giá tình hình, phát hiện các bất hợp lý trong dự toán, để báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh ngay theo thẩm quyền. “Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo về công tác giám định để tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực này”- Phó Tổng Giám đốc cho biết.
Đề cập một số vấn đề phức tạp phát sinh trong công tác chi trả, giải quyết chế độ chính sách như tình trạng thu gom sổ BHXH để thanh toán chế độ 1 lần; còn bất cập trong kiểm soát giấy ủy quyền hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội… Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn yêu cầu BHXH các địa phương cần phát huy hơn nữa trách nhiệm của cơ quan thực hiện chính sách; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp để bảo vệ quyền lợi của NLĐ cũng như đảm bảo an toàn quỹ BHXH…
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cũng lưu ý thêm, BHXH Việt Nam vẫn phải đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên theo chỉ đạo của Chính phủ như: Chi trả, giải quyết chế độ; đảm bảo tiến độ ứng dụng CNTT trong thực hiện các nhiệm vụ của Ngành, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến; cải cách TTHC; thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện chính sách theo thẩm quyền của Ngành; tuyên truyền phát triển đối tượng...
Theo http://baobaohiemxahoi.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...