Trục lợi bảo hiểm xã hội

07/07/2020 02:43 PM


Những ngày qua, để hỗ trợ cho những y sĩ, bác sĩ, công an, bộ đội biên phòng, tình nguyện viên đang phải căng mình chống dịch Covid-19, đã có một số doanh nhân ủng hộ hàng chục tỷ đồng, có cháu nhỏ góp tiền mừng tuổi hay các cụ già neo đơn ủng hộ từ cân gạo, mớ rau với một lòng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Bên cạnh đó, những người lao động bị mất việc làm, người bán hàng rong, người bán vé số dạo cũng được các ban, ngành, đoàn thể và các nhà hảo tâm giúp đỡ, động viên thông qua những siêu thị 0 đồng, cây ATM gạo miễn phí... Tất cả những điều đó thể hiện tinh thần tương thân, tương ái; “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta.

Thế nhưng, mới đây, đối tượng Ngô Thị Thúy Kiều và chồng là Lê Quốc Việt (cùng SN 1990, quê Bình Ðịnh) đã lập trang Facebook giả mạo Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bình Dương nhằm mục đích thu mua sổ BHXH của người lao động mất việc làm do dịch bệnh để trục lợi bất chính. Với thủ đoạn đăng thông tin và số điện thoại trên các tài khoản Facebook để mua sổ BHXH, hai đối tượng này đã hướng dẫn người bán đến cơ quan công chứng làm giấy ủy quyền cho người mua nhận BHXH một lần rồi được nhận tiền ngay. Tuy nhiên, số tiền người lao động được nhận sẽ thấp hơn nhiều so với mức được cơ quan BHXH chi trả.

Theo quy định, sổ BHXH không phải là đối tượng tài sản được cầm cố, thế chấp hoặc mua bán. Các hành vi cầm cố, thế chấp, mua bán sổ BHXH của người lao động rồi sau đó làm thủ tục kê khai sổ BHXH bị mất, hư hỏng để xin cấp lại thuộc trường hợp kê khai không đúng sự thật và sẽ bị xử phạt. Hơn nữa, sổ BHXH không đơn thuần chỉ là ghi nhận các kết quả tham gia đóng bảo hiểm của người lao động, mà còn là một phần của sự bảo đảm xã hội cho người lao động, bảo đảm an ninh - trật tự trong một quốc gia. Người lao động được khai thác và hưởng các chế độ: Ốm
đau, thai sản, tử tuất, thất nghiệp, hưu trí... Tất cả các chế độ này đều là sự bảo đảm trong các điều kiện, hoàn cảnh xảy ra khi người lao động không còn khả năng lao động... Do vậy, sổ BHXH ngoài giá trị về tài sản (quyền tài sản) thì theo pháp luật, còn có đặc trưng của quyền nhân thân (gắn chặt với một người, một chủ thể) mà khó có thể bán mua được.

Như vậy, hành vi mua bán sổ BHXH của các đối tượng nêu trên là vi phạm pháp luật. Do vậy, cơ quan BHXH cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và thanh toán quyền lợi của người lao động. Loại bỏ tình trạng ủy quyền dân sự khai thác không đúng với mục đích của người lao động khi bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn do bệnh dịch hoặc các khó khăn khác. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về các quyền, nghĩa vụ đối với quan hệ lao động và các quy định về BHXH. Qua đó, giúp họ hiểu rõ giá trị của sổ BHXH là bảo đảm sự thay thế, bù đắp sự thiếu hụt về mặt tài chính cho người lao động và gia đình người lao động khi gặp phải những rủi ro trong cuộc sống.

Theo https://www.nhandan.com.vn/