Cần linh hoạt trong cấp giấy tờ cho NLĐ là F0 hưởng quyền lợi BHXH

08/03/2022 09:11 AM


Cùng với số người mắc Covid-19 và điều trị tại nhà tăng lên mỗi ngày, lượng người có nhu cầu cấp giấy chứng nhận (GCN) nghỉ hưởng BHXH cũng tăng theo. Ngành BHXH Việt Nam cũng luôn sẵn sàng giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ khi NLĐ có đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật. Vướng mắc từ quy định…

Khoản 1, 2 Điều 100 Luật BHXH quy định, để được hưởng BHXH khi nghỉ chế độ ốm đau, người điều trị nội trú cần có Giấy ra viện và người điều trị ngoại trú cần có GCN nghỉ hưởng BHXH. Đặc biệt, Bộ Y tế cũng quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp GCN nghỉ hưởng BHXH, Giấy ra viện và cơ quan BHXH sẽ theo quy định đó để giải quyết chế độ cho NLĐ.

Phải nói rằng, việc cấp Giấy ra viện với các F0 cơ bản thuận lợi, nếu có đủ giấy tờ và BHXH Việt Nam đã giải quyết chế độ cho nhiều trường hợp. Tuy nhiên, vướng mắc xuất hiện do đa số trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ, không bắt buộc phải tới cơ sở KCB mà có thể điều trị tại nhà. Trong khi đó, việc cấp các giấy tờ làm hồ sơ căn cứ hưởng BHXH với người điều trị tại nhà lại chưa có quy định trong các văn bản pháp luật.

Thời gian qua, cơ quan BHXH các cấp nhận được nhiều thông tin, phản ánh về việc các cơ sở KCB cấp hồ sơ, giấy tờ cho NLĐ không đúng theo quy định tại Thông tư 56/2017/TT-BYT (quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật ATVSLĐ thuộc lĩnh vực y tế) của Bộ Y tế. Nhiều nhất là F0 điều trị tại nhà không được cấp GCN nghỉ hưởng chế độ BHXH; khi điều trị tại các BV dã chiến không được cấp Giấy ra viện mà chỉ được cấp GCN hoàn thành điều trị, cách ly. Các loại giấy tờ này đều không đúng với mẫu trong Thông tư 56 của Bộ Y tế, nên cơ quan BHXH không thể thanh toán cho NLĐ. Chính vì vậy, nhiều NLĐ cho rằng cơ quan BHXH gây khó dễ trong việc giải quyết thủ tục. Tuy nhiên, trên thực tế, BHXH chỉ là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước, không có thẩm quyền quy định về hồ sơ trình tự, thủ tục.

Theo quy định, GCN nghỉ hưởng BHXH cấp cho người điều trị ngoại trú, nhưng nhiều người mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ, không bắt buộc phải đến cơ sở KCB, kết quả dương tính xác nhận thông qua test nhanh hoặc phương pháp PCR. Do không trực tiếp đến cơ sở y tế, các trường hợp F0 không được cấp giấy ngay tại thời điểm nghỉ ốm, mà thường sau khi điều trị khỏi bệnh mới đến Trạm Y tế xã, phường để xin GCN. Điều này dẫn đến ngày cấp ghi trên giấy bị lệch (cấp lùi lại) so với thời điểm NLĐ bắt đầu nghỉ việc để điều trị, không đúng với quy định tại Thông tư 56 là giấy đó phải cấp trước hoặc trùng với thời gian NLĐ đi KCB, ra viện hoặc nghỉ ốm. Đây là vướng mắc cần xem xét điều chỉnh.

Cần linh hoạt tháo gỡ vướng mắc

Ngay sau đợt dịch Covid-19 bùng phát tại tỉnh Bắc Giang, BHXH Việt Nam đã đề xuất Bộ Y tế xem xét sử dụng GCN hoàn thành cách ly điều trị cho F0 để làm căn cứ thanh toán hưởng BHXH. Bởi khi đó, NLĐ phải nghỉ việc để điều trị Covid-19, các hồ sơ giấy tờ đó đều chứng minh họ nghỉ việc, hoàn toàn có thể dùng làm căn cứ thanh toán chế độ và sẽ không phát sinh TTHC cũng như giảm áp lực cho các y bác sĩ, nhân viên y tế.

Mặt khác, khi số người mắc Covid-19 điều trị tại nhà gia tăng, trong khi Thông tư số 56 chưa có quy định về việc cấp hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ hưởng BHXH đối với các F0 điều trị tại nhà, tại các cơ sở thu dung điều trị, cơ sở 3 tại chỗ… cũng như NLĐ phải nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ dưới 7 tuổi là F0 điều trị tại nhà, BHXH Việt Nam đã có 5 công văn báo cáo, đề nghị với Bộ Y tế về thực trạng này (từ tháng 6/2021 đến nay).

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022 vừa qua, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, Bộ Y tế cần quan tâm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong việc cấp giấy cho NLĐ là F0 phải điều trị tại tại nhà để làm thủ tục hưởng chế độ BHXH.

Đáng chú ý, vào đầu tháng 3/2022, Tổng LĐLĐ Việt Nam lại có công văn gửi Bộ Y tế nêu kiến nghị của NLĐ về việc gặp khó khăn trong việc xin cấp GCN tại y tế xã, phường nơi tạm trú. Một số nơi hướng dẫn NLĐ về cơ sở y tế của KCN, một số nơi lại hướng dẫn về DN để khai báo, có nơi lại yêu cầu về nơi đăng ký thường trú. Chính việc mỗi nơi mỗi quy định nên gây rất nhiều khó khăn cho NLĐ ngoại tỉnh trong việc làm thủ tục xin cấp giấy xác nhận F0… Vì thế, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 56/2017/TT-BYT để hướng dẫn hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp ốm đau cho phù hợp với tình hình thực tế phòng chống dịch Covid-19 hiện nay và đảm bảo quyền lợi BHXH của NLĐ.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Minh Huân- nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, những quy định về thủ tục, giấy tờ để NLĐ là F0 được hưởng chế độ BHXH là có cơ sở. Việc làm chặt chẽ, đúng quy định cũng cần thiết, bởi nếu nới lỏng, tùy tiện dễ đẫn đến trục lợi BHXH. Người mắc Covid-19 cần có GCN F0 do cơ quan y tế xác định, bên cạnh đó họ cũng cần có GCN nghỉ hưởng BHXH do cơ quan y tế cấp để được hưởng chế độ.

"Trước mắt, Bộ Y tế cần nghiên cứu chấp thuận thanh toán BHXH cho NLĐ với căn cứ là GCN hoàn thành cách ly y tế, điều trị tại nhà do y tế cơ sở cấp. Bổ sung thủ tục như thế nào, nghỉ bao nhiêu ngày, cấp nào cấp giấy… phải cụ thể. Quan trọng là phải có phương án tốt nhất cho NLĐ. Thông tư hướng dẫn sửa đổi phải xác định rõ trách nhiệm của y tế cơ sở khi cấp giấy. Nếu phát hiện cấp sai, trục lợi thì xử lý thế nào..."- ông Huân nói.

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/